Dệt thổ cẩm ở Ba Tơ

Làng thổ cẩm nằm dưới chân đèo Lâm, bên dòng sông Liên, thuộc huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ bao đời nay, bằng đôi tay khéo léo của mình, đồng bào H’re nơi đây đã dệt nên những tấm thổ cẩm với sắc mầu phong phú và được nhiều du khách đến tham quan và mua làm quà kỷ niệm.

Dệt thổ cẩm ở Ba Tơ
Thiếu nữ H're ở làng Teng bên khung cửi.
Về làng Teng, xã Ba Thành, chúng tôi được nghe đồng bào tấm tắc khen ngợi chị Phạm Thị Găm - một trong những nghệ nhân có công lưu giữ những nét văn hóa thổ cẩm. Ngồi trong ngôi nhà sàn mới sửa xong, nghệ nhân Găm vui vẻ cho biết: Nghề dệt thổ cẩm ở đây có từ lâu đời, đến nay vẫn tồn tại và phát triển với tính chất thủ công theo hộ gia đình quần tụ trong một làng nghề. Ưu thế là từ xa xưa, con gái H're đã biết mang gùi ra hái trái về kéo sợi, còn trai làng mang gùi lên núi lấy rễ, vỏ của một số cây rừng về làm mầu để ngâm sợi. Những sợi bông đã nhuộm mầu, qua bàn tay người thợ dệt đã làm nên những tấm thổ cẩm vừa đẹp vừa bền. Các thổ cẩm như Ka tu (cho phụ nữ), K’beng (cho đàn ông), tấm mul (khăn choàng đầu phụ nữ) rất đẹp với những hoa văn, họa tiết độc đáo phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào H’re. Hoa văn trên trang phục truyền thống của người H're có rất nhiều loại. Mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa riêng của nó và góp phần vẽ nên một nét văn hóa chung trong mỹ thuật của người H're. Chị Găm tâm sự: “Để làm được một tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn đẹp mất gần bảy ngày, nhưng mình chỉ cần bốn ngày thôi. Mình cố gắng nhớ lại những hoa văn mà mẹ đã dạy cho, sáng tạo thêm để thổ cẩm của mình đẹp hơn và mang đậm nét văn hóa truyền thống của người H're”. Cũng chính nhờ nghề dệt thổ cẩm độc đáo này cho nên tiếng đồn bay xa, đã làm cho các chàng trai H’re ở Sơn Hà, Minh Long và các xã lân cận đều mong muốn được làm rể của làng. Và đã thành lệ, trước khi lấy chồng con gái làng Teng bỏ nhiều công sức chọn từng sợi bông dài đem ngâm mầu thật kỹ và bằng tất cả tình yêu cùng sự khéo léo của đôi tay đã dệt tấm Ka tu cho chính mình và tấm K'beng cho người mình thương để cùng nhau mặc trong ngày cưới, trong lễ cúng Giàng.

Hiện nay huyện Ba Tơ đã đề ra nhiều giải pháp để quảng bá, trưng bày các sản phẩm làng nghề thông qua các hoạt động liên hoan thôn, tổ dân phố văn hóa. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm và đan lát tại thôn làng Teng được huyện tuyển chọn tham dự Hội chợ triển lãm làng nghề thủ công và mỹ nghệ tại tỉnh Ninh Thuận.

BÀI VÀ ẢNH: MINH TRÍ

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét