Quảng Ngãi: Đổi đời nhờ trồng lan rừng

Để thỏa đam mê, cùng khát khao làm giàu, anh Bùi Vũ Thi, 39 tuổi, ở thôn 2, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) đã tìm tòi, học hỏi từng bước nhân rộng vườn lan rừng bao gồm nhiều chủng loại với gần 1.500 giò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với bản tính cần cù, chịu khó, anh Thi đã sớm bươn chải mưu sinh với nhiều nghề, nhưng niềm đam mê phong lan vẫn không bao giờ tắt trong anh. Năm 2012, anh Thi gom góp vốn, quyết tâm theo đuổi nghề trồng hoa lan theo hướng chuyên canh ngay tại sân vườn nhà. Anh đầu tư chi phí hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện các phân khu, trụ, giàn treo và mái che một cách bài bản. Ban đầu, vì thiếu kinh nghiệm, nên nhiều đợt nhập hoa giống ngoại về không được chăm sóc đúng quy trình nên một số bị chết, nên lỗ vốn.
Quảng Ngãi Đổi đời nhờ trồng lan rừng
Thất bại nhưng không nhụt ý chí, hai năm nay, nhận thấy trên thị trường khá ưa chuộng lan rừng, nên anh chuyển hẳn sang trồng lan rừng. Để chọn giống phù hợp, anh lên các tỉnh Tây Nguyên, qua Campuchia... mua về trồng thử nghiệm, rồi nhân rộng. Đến nay, anh Thi đã góp vào bộ sưu tập lan rừng với hàng chục loại. Nhìn cơ ngơi trị giá tiền tỷ ai cũng cảm phục nghị lực của anh.

Ông Trương Bình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dõng cho biết: Hơn 5 năm trở lại đây, mô hình trồng hoa lan được người dân địa phương ưa chuộng. Toàn xã có 3 hộ trồng chuyên canh theo hình thức kinh doanh lớn và hơn 100 hộ trồng quy mô vừa và nhỏ. Đa số các hộ trồng hoa lan ngoại nhập, còn lan rừng có quy mô như hộ anh Thi không nhiều. Dù trồng hoa lan đem lại thu nhập  khá cao, nhưng để nhân rộng mô hình theo hướng kinh doanh thì cần nhiều yếu tố về vốn, am hiểu kỹ thuật chăm sóc và thị trường tiêu thụ. 
Anh Thi bật mí rằng, lan rừng có sức sống mãnh liệt, dễ chăm sóc, ít bị bệnh. Đặc biệt, hoa lan đẹp, lâu tàn, có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng. Tự trang bị kiến thức, anh đã tìm hiểu trên mạng, sách báo khuyến nông và tham quan học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ những người đi trước, các mô hình trong và ngoài tỉnh. Anh Thi chia sẻ: Lan rừng ít bệnh. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc cũng cần tỉ mỉ và nắm rõ quy trình kỹ thuật, vì nếu gặp mưa nhiều sẽ bị thối thân, còn gặp nắng nhiều thì bị cháy lá. Mật độ trồng quá dày cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lan.

“Để lan sinh trưởng tốt, cho hoa đều và đẹp, người trồng phải theo dõi sinh trưởng, phun thuốc kích thích ra rễ, lá và diệt nấm theo chu kỳ. Để đuổi côn trùng thì dùng nước tỏi rất hiệu quả. Khi phát hiện lan bị bệnh với các triệu chứng như úa vàng, héo rũ, thối rễ… cần phải trị tận gốc không để lây lan”, anh Thi chia sẻ thêm.

Hiện nay sản phẩm hoa lan rừng của anh được bạn hàng các nơi ưa chuộng. Mỗi giò lan có giá trung bình 500 nghìn đồng. Còn đối với những giò lan lớn và quý thì giá phải đến vài triệu đồng. Hằng năm, trừ chi phí, anh Thi thu nhập từ nghề này khoảng gần 500 triệu đồng. Hiện nay, ở Quảng Ngãi chưa có nhiều nhà vườn lan có nhiều chủng loại lan rừng như cơ sở của anh Thi và sản phẩm lan rừng của anh không lo đầu ra, bởi nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh tương đối lớn, nhất là dịp Tết.
Nguồn: baoquangngai.vn/channel/2025/201511/doi-doi-nho-trong-lan-rung-2642981/

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét