Vài suy nghĩ về vấn đề nước ngọt ở Lý Sơn

Hiện nay, có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho huyện đảo Lý Sơn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh. Nhưng, nếu không lâu trước đây, vấn đề được đặt ra cho huyện đảo là điện, thì hiện tại vấn đề làm cho mọi người lo nghĩ, đó là nước ngọt.

Vấn đề nước ngọt ở Lý Sơn vốn dĩ là vấn đề được nhiều người quan tâm từ lâu. Nhưng từ khi Lý Sơn có điện lưới quốc gia và gần đây thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài, ít mưa thì “nước” nổi lên như là vấn đề rất lớn, ai cũng quan tâm. Nước cho sinh hoạt đã đành, mà nước cho sản xuất cũng vô cùng bức xúc. Không ít người cho rằng, gần đây nước bị nhiễm mặn là do trời nắng hạn, ít mưa, nguồn nước mặt bổ sung rất ít, mặt khác do người dân đào quá nhiều giếng khoan, kéo điện ra đồng để bơm tưới cho hành và tỏi. Đó có thể là các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan cần lưu ý.

 
Sản xuất hành tỏi ở Lý Sơn trong những năm gần đây thường gặp khó khăn do thiếu nước tưới vào mùa nắng nóng. Ảnh. H.T

Trong lúc chờ đợi kết luận cuối cùng sau khi có số liệu về thăm dò tỉ mỉ trữ lượng nước dưới đất của đảo Lý Sơn và so sánh với số liệu về nhu cầu dùng nước trong sinh hoạt và nước để sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu khác để có kết luận là Lý Sơn thiếu nước ngọt đến mức độ nào để có giải pháp phù hợp, trước mắt cần làm những gì để hạn chế tối đa nguy cơ thiếu nước?

Theo một số nhà quản lý về chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi thì, nước dưới đất ở đảo Lý Sơn theo tài liệu nghiên cứu khoa học kết hợp với một số lỗ khoan thăm dò, nằm trong tầng đá bazan là loại đá nghèo nước. Hiện nay đang thăm dò tỉ mỉ đánh giá trữ lượng nước, nhưng hy vọng tìm được tầng chứa nước phong phú ở Lý Sơn là không nhiều. Vậy, giải quyết nước ngọt cho Lý Sơn bằng cách nào, câu hỏi đó hiện nay chưa có lời giải!

Như trên đã đặt vấn đề, không nên chờ đợi nữa, trước mắt cần làm các việc có thể làm để hạn chế tình trạng thiếu nước ngọt đã thấy “nhỡn tiền”.

Việc đầu tiên là tiết kiệm trong sử dụng nước. Tiết kiệm nước trước hết là dùng nước có hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ, sử dụng vừa đủ trong sinh hoạt. Tiết kiệm trong từng gia đình, đơn vị, khách sạn, nhà hàng và nhất là những nơi công cộng. Cần có các cuộc vận động tiết kiệm sử dụng nước ở các tổ chức, đoàn thể, xem đó vừa là hoạt động về kinh tế - xã hội, vừa là bảo vệ môi trường.

Việc thứ hai là tích trữ nước. Tích trữ có thể là xây hồ chứa, xây bể chứa. Cấp huyện, cấp xã thì tập trung nguồn lực để xây hồ với đề nghị hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự giúp đỡ của doanh nghiệp. Còn việc xây bể thì mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị tự lo, không chần chừ, chờ đợi. Mỗi gia đình có thể xây bể chứa khoảng 5-10m3, đơn vị có thể xây bể lớn hơn. Nước tích trữ là nước mưa hoặc nước lấy từ giếng vào mùa mưa.

Làm được các việc trên, tin rằng có thể hạn chế tình trạng thiếu nước vào mùa khô cạn. Và trong vài năm tới, khi hoàn thành dự án tìm kiếm – thăm dò tỉ mỉ nước dưới đất ở Lý Sơn sẽ tính được tổng trữ lượng nước. Đến khi đó sẽ tính toán, cân đối giữa lượng nước tiềm tàng trong lòng đất với nhu cầu sử dụng nước, từ đó đề ra giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề nước ở huyện đảo. Nhưng đó là việc sau này, còn hiện tại cần làm những việc có thể làm được như đã nêu trên để “tự cứu mình”.


TRỊNH QUANG HẠO baoquangngai.vn/channel/2024/201511/vai-suy-nghi-ve-van-de-nuoc-ngot-o-ly-son-2639909/

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét