Tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân

Tục thờ cá Ông có nguồn gốc từ lâu đời, gắn liền với ngư dân vùng duyên hải miền Trung nói chung và ven biển Quảng Ngãi nói riêng. Tục thờ cá Ông được biết đến từ thời Nguyễn với niềm tin cá Ông luôn phù hộ độ trì cho ngư dân đi lại và đánh bắt cá trên biển. Với tín ngưỡng đó, ngư dân thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) đã thờ cúng cá Ông tại lăng vạn từ bao đời nay.

Theo nhiều người cao tuổi trong thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) kể lại, khoảng hơn 200 năm trước, cá Ông trôi dạt vào bờ (người dân nơi đây thường gọi là “Ông lụy” hay “Ông vào tu”), người dân thấy vậy nên đem xác cá Ông vào chôn trong vạn. Sau 3 năm, người dân trong vạn lấy di cốt đựng vào quách gỗ và thờ. Đến ngày nay, tại lăng vạn vẫn còn hai bộ di cốt của ông Nam Hải và bà Nam Hải.
Tương truyền cá Ông được gắn với những ngày đầu lập quốc của vua Gia Long. Khi Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, vua Gia Long đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và cho lập lăng miếu thờ cúng. Nhờ sự linh ứng của cá Ông mà sau này các vua triều Nguyễn phong cho nhiều chức tước khác nhau như Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đảng Thần, Nam Hải Đại Tướng Dã Xa…

Tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân
Lăng vạn Thanh Thủy.

Nhiều sinh hoạt văn hóa trong dịp tế thần Nam Hải

Vào dịp tế thần Nam Hải, ngư dân vạn Thanh Thủy còn tổ chức một số sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân miền biển như hội đua thuyền tứ linh, hát bả trạo, lắc thúng… Qua những hình thức lễ hội mang đậm tính nhân văn sâu sắc, hướng về quá khứ, những ngày đầu người Việt khai cơ lập nghiệp tại vùng đất mới, tạo nên tính cố kết cộng đồng mang tính chất đặc trưng của cư dân làng nghề vạn chài vùng ven biển ở Quảng Ngãi.
Chính sự linh ứng đó nên người dân Thanh Thủy và những vùng lân cận thường đến để hương khói và "xin keo" trước lúc muốn ra khơi dài ngày. Trường hợp “xin keo” không được thì ngư dân lùi ngày xuất bến. Ông Dương Phát (55 tuổi)- người phụ trách quét dọn, hương khói trong lăng cho biết: Ông đi biển từ lúc 12 tuổi. Suốt cả cuộc đời đi biển của mình ông đã đánh bắt ở nhiều ngư trường, trong đó có cả Hoàng Sa, Trường Sa và không ít lần gặp sóng to gió lớn nhưng chưa lần nào ông gặp nguy hiểm trên biển. Bởi trước lúc ra khơi, ông đều đến lăng vạn để thắp hương và xin thần Nam Hải phù hộ.

Để tạ ơn thần Nam Hải, hằng năm, ngư dân vạn Thanh Thủy tổ chức tại lăng hai ngày lễ lớn, đó là lễ xuống nghề của vạn vào ngày mùng 10 tháng giêng (âm lịch) và lễ giỗ Ông hay còn gọi lễ Nghinh Ông vào ngày 20 tháng Chạp. Cụ Võ Vận (82 tuổi) - trưởng vạn, cho biết: Đây là hai ngày lễ lớn của ngư dân nơi đây. Hai ngày này, hàng trăm người dân trong thôn tụ tập và tổ chức lễ rất trang nghiêm, thành kính. Đặc biệt, lễ Nghinh Ông đã trở thành lễ hội truyền thống chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân.

Hiện nay, tại lăng vạn Thanh Thủy vẫn còn 6 sắc phong của vua Nguyễn ban cho cá Ông và nhiều nội dung hoành phi, câu đối bằng chữ Hán. Di tích lăng vạn Thanh Thủy là một công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng vào thời Nguyễn mang giá trị tiêu biểu so với các di tích đền, lăng thờ thần Nam Hải ở các vạn khác. Di tích có kiến trúc hình chữ Nhất cùng với nghệ thuật điêu khắc gỗ, trang trí, đắp nổi có giá trị qua các mô típ, các bộ vì kèo, đầu kèo chạm khắc gỗ hình đầu rồng, đuôi kèo khắc hình chim phượng, trang trí nổi lân, hổ ở bức bình phong... Đây là những hình tượng quan trọng trong nghệ thuật tạo hình, làm tăng thêm giá trị tâm linh, tín ngưỡng của di tích.
Tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân
Kiến trúc bên trong lăng vạn vẫn còn nguyên vẹn.
Ngoài thờ cá Ông, lăng vạn còn thờ tiền hiền, hậu hiền đã có công khai hoang, mở đất cùng với các vị “nhân ngư” vào “tu” ở vạn. Phía bắc của di tích có miếu thờ cô hồn, thờ những vong hồn không nơi hương khói. Đây là nơi để bổn vạn và nhân dân gửi niềm cảm thông đến những ngư dân không may gặp nạn trên biển, cầu cho những vong hồn mau về lại với quê hương.

Đến nay, di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2009, di tích đã được thay mới hoàn toàn phần mái ngói, song cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Sóng biển đánh vào làm cho bờ kè đá chặn sóng bị sạt lở đe dọa bức bình phong, trụ biểu ở khuôn viên di tích. Bên cạnh đó, hệ thống kiến trúc gỗ của di tích, các quách gỗ đựng di cốt cá Ông bị mối mọt xâm hại. Ngành văn hóa cần sớm vào cuộc để bảo vệ di tích lịch sử cấp tỉnh này.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét