Rủ nhau vào rừng "săn" khổ sâm

Thời  điểm này đang là giai đoạn cây khổ sâm hay còn có tên gọi khác là cây cứt chuột, nha đảm tử, xoan rừng… ra trái, cũng là lúc người dân ở các huyện vùng cao Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà… vào rừng “săn” tìm để bán cho thương lái. Mấy năm trở lại đây, trái khổ sâm được nhiều thương lái lùng sục thu mua với giá cao nên nhờ đó nhiều hộ đồng bào miền núi có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ cây này. 

Xuyên rừng tìm khổ sâm

Đầu tháng 6, chúng tôi có dịp về xã Trà Xinh, huyện vùng cao Tây Trà. Hôm chúng tôi có mặt tại đây, dù mới sáng sớm, nhưng chúng tôi đã thấy hàng chục người ở đây tay gùi, tay rựa, chuẩn bị vào rừng “săn” trái khổ sâm (người địa phương gọi là trái cứt chuột).

Gặp chúng tôi khi vừa chuẩn bị cùng vợ vào rừng hái trái khổ sâm, ông Hồ Văn Lơn ở thôn Trà Kem cho biết: Mấy năm gần đây, các thương lái đến đây tìm mua trái khổ sâm nên vào mùa cây khổ sâm ra trái người dân chúng tôi rủ nhau vào rừng kiếm về bán với giá 8 nghìn đồng - 10  nghìn đồng/kg tươi, nếu hái về phơi khô thì bán 35 nghìn đồng - 50 nghìn đồng/kg tùy thời điểm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khoảng tháng 3-4 cây khổ sâm bắt đầu ra hoa và từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch là mùa cây khổ sâm ra trái và cho thu hoạch. Mỗi ngày vào rừng, một người cũng kiếm được bình quân khoảng từ 10- 15kg về bán được từ 100 - 120 nghìn đồng.

Theo ông Lơn, so với mọi năm thì năm nay, thương lái thu mua giá thấp hơn, song đối với người dân vùng miền núi còn nhiều khó khăn này thì đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ để trang trải cuộc sống gia đình. Chính vì vậy khi có cơ hội kiếm tiền, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng theo cha mẹ vào rừng hỗ trợ cho công việc hái trái khổ sâm. 




Trái khổ sâm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân miền núi


Ông Hồ Văn Hiên ở thôn Trà Kem-  một trong những người tiên phong đi hái trái khổ sâm về bán trong những ngày đầu tiên, cho biết: Trước đây, loại cây này mọc hoang trên rẫy, trong rừng rất nhiều, chẳng mấy ai thèm ngó tới.  Song từ khi biết nó có thể kiếm ra tiền thì ai cũng vào rừng  tìm hái  về bán. 

“Ngày trước , khi ít người đi hái, mỗi gia đình một ngày vào rừng hái có khi được cả tạ trái khổ sâm mang về bán. Nhưng bây giờ, do nhiều người khai thác, diện tích cây khổ sâm cũng bị thu hẹp dần nên việc hái trái khổ sâm không còn dễ dàng như trước. Càng ngày, người dân chúng tôi càng phải vào sâu hơn trong rừng mới có thể tìm hái được nhiều trái khổ sâm - ông Hiên cho biết thêm. 

Tuy nhiên, dù hàng ngày vào rừng “săn” tìm trái khổ sâm bán cho thương lái, thế nhưng người dân tuyệt nhiên không rõ mục đích thương lái mua để làm gì và bán đi đâu. Họ chỉ biết rằng có thể kiếm tiền là họ ồ ạt kéo nhau vào rừng tìm về bán. 

“Nghe nói người ta mua về để làm thuốc chữa bệnh gì đó, còn thực tế người ta làm gì thì mình không rõ đâu, người ta trả tiền thì mình cứ hái bán thôi”- chị Hồ Thị Thơ ở thôn Trà Ôi, xã Trà Xinh trả lời, khi chúng tôi hỏi có biết công dụng trái khổ sâm và thương lái mua để làm gì?

Nguy cơ nhãn tiền

Thời điểm này, không riêng gì ở địa bàn xã Trà Xinh mà ở nhiều địa phương khác ở các huyện miền núi trong tỉnh, mỗi ngày cũng có hàng chục người dân vào rừng hái trái khổ sâm mang về bán cho thương lái để kiếm thu nhập. 

Ông Nguyễn Văn Hoàng- một thương lái thu mua trái khổ sâm ở huyện miền núi Sơn Hà cho biết: Bình quân mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 200- 300kg trái khổ sâm tươi, thậm chí vào những ngày cao điểm tôi thu mua trên 500kg/ngày. Trái khổ sâm sau khi mua xong, tôi mang về điểm tập kết để phơi khô rồi bán cho các bạn hàng để chuyển đi nơi khác tiêu thụ. 

Theo nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu, cây khổ sâm thuộc họ thanh thất. Cây nhỏ, cao khoảng 2m, thân mềm, có lông. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mép có răng cưa, có lông mềm ở cả hai mặt. Trái có dạng hình bầu dục, khoảng bằng hạt đậu xanh, khi còn non màu xanh, chín chuyển sang nâu đen; vị đắng, tính hàn; thường dùng trị lỵ amip, sốt rét, trĩ, trùng roi và giun đũa…



Tranh thủ ngày hè, những đứa trẻ cung teo cha mẹ vào rừng hái trí khổ sâm về bán



Trên thực tế, “lộc rừng" từ cây khổ sâm đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ đồng bào miền núi, nhưng "cơn lốc" “săn” tìm trái khổ sâm để bán cho thương lái, khiến tình trạng “chảy máu”  loại cây dược liệu này đang có nguy cơ hiện hữu.  

Bởi hiện nay, không riêng gì cây khổ sâm mà những các cây dược liệu có nguồn gốc từ rừng như: Sa nhân,  mật nhân… đều được thương lái “săn” tìm thu mua với số lượng lớn. 

Do nhu cầu thị trường, nên hiện nay nghề "săn" cây dược liệu trong rừng hầu như diễn ra quanh năm “mùa nào thức ấy” và trở thành một nghề tăng thêm thu nhập cho không ít người dân ở miền núi. 

Cây dược liệu vừa được người mang từ rừng ra là các thương lái cũng luôn đón lõng ngay cửa rừng thu mua. Và khi họ ngừng thu mua đồng nghĩa với việc loài cây đó đã vắng bóng trong rừng. 


Có thể nói, sự phụ thuộc theo yêu cầu của thương lái cùng với sự thiếu hiểu biết về dược liệu của người dân đã kéo theo đó là việc khai thác vô tội vạ, khai thác không đúng với thời vụ, khiến các loại cây dược liệu ngày càng hiếm, số lượng liên tục giảm dần theo thời gian.

Nguồn : baoquangngai.vn

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét