Quảng Ngãi: Hàng chục tấn bí đỏ bỏ thối ngoài đồng và câu chuyện bao tiêu sản phẩm

Đã hơn 10 ngày qua, hàng chục tấn bí đỏ Nhật Bản chín rộ đã đến kỳ thu hoạch nhưng không một thương lái nào đến thu mua.

Hàng chục tấn bí đỏ bỏ thối ngoài đồng và câu chuyện bao tiêu sản phẩm
Nông dân Nguyễn Thiện Nghiêm bên đống bí bị hư hỏng. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Người dân xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi dường như đang ngồi trên đống lửa khi mà hàng nghìn quả bí đỏ đang dần bị hỏng, thối, chín rục ngoài đồng.

Đến thời điểm hiện nay, toàn xã Bình Mỹ đã có khoảng 50 tấn bí đỏ bị hỏng, thối ngoài đồng vì không có thương lái nào đến thu mua.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hồng Liễn, Giám đốc Hợp tác xã xã Bình Mỹ cho biết, mô hình trồng bí đỏ Nhật Bản được Hợp tác xã xã Bình Mỹ triển khai từ hiệu quả 4 năm liền của các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh)….

Hơn nữa, khi triển khai trồng bí đỏ tại xã, các hộ dân cũng đã kí cam kết thu mua sản phẩm bí đỏ tròn xuất khẩu với công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam do ông Nguyễn Viết Ngữ làm đại diện.

Tuy nhiên, khi bí đỏ Nhật Bản đến kỳ thu hoạch, người trồng và cả lãnh đạo xã thay nhau gọi điện cho công ty đến thu hoạch nhưng chỉ nhận được lời hứa ngày mai sẽ đến thu mua. Trong khi đó, giống bí đỏ Nhật Bản là loại có vỏ mỏng nên sau thu hoạch rất dễ bị hư hỏng.

Ra cánh đồng của ông Võ Mãi (thôn Ngọc Trì, xã Bình Mỹ, Bình Sơn) hàng trăm quả bí đỏ chín rục, hỏng, thối và trở thành thức ăn béo bở cho các loại côn trùng dòi, ruồi…

Một số quả còn nguyên vẹn được chất thành đống tại các ngã 3, ngã 4 và dọc theo các tuyến đường liên thôn với hi vọng chờ công ty đến thu mua.

Hàng chục tấn bí đỏ bỏ thối ngoài đồng và câu chuyện bao tiêu sản phẩm
Bí đỏ bị hư hỏng, chín rục ngoài đồng. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Ông Võ Mại cho biết: Vụ mùa năm nay, chúng tôi được công ty về đưa giống cho trồng và cam kết sẽ thu mua 4.000 đồng/kg đối với loại quả trên 1kg và 3.000 đ/kg đối với loại quả dưới 1 kg. Hiện giờ toàn bộ bí đỏ nhà tôi chín hết mà không thấy công ty tới thu mua. Giờ thì chỉ nông dân chết chứ không ai chết, công sức mấy tháng trời làm giờ đành phải bỏ không.

Còn nông dân Bùi Minh Bảo cho biết: Chúng tôi thấy đơn vị bạn (nông dân xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh) trồng loại cây này có hiệu quả so với các loại cây trồng khác. Gia đình tôi mang loại bí đỏ Nhật Bản này về trồng khoảng 3 sào và đến kì thu hoạch đơn vị đầu tư không thu mua nên toàn bộ giống bí của gia đình bị hỏng, thối ngoài đồng.

Người dân trước khi trồng chỉ có cam kết với đơn vị thu mua, còn hợp đồng thì chỉ có Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh ký kết với công ty này. Nên hiện giờ người dân chả biết kêu ai, gọi công ty thì công ty bảo người dân cứ yên tâm, công ty sẽ đến thu mua mà hiện giờ đã hơn 1/2 tháng rồi mà chưa có ai đến.

Lý giải sự chậm trễ này, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh cho rằng: Công ty vẫn đang thu mua nhưng kế hoạch thu mua chậm chứ không phải không thu mua. Đối với các hộ dân ở Bình Mỹ (huyện Bình Sơn) bị hỏng thối do thu mua chậm, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đứng ra thương thảo với doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ cho người dân.

Trước sự việc trên, ông Sơn cho rằng, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nông dân chưa được đồng bộ và kịp thời. Chính quyền và doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Đặc biệt, việc tổ chức thu mua phải có kế hoạch cụ thể, kế hoạch sát hơn với thực tế để người dân không bị thiệt thòi.

Ông Sơn cũng chia sẻ, năm nay do thời tiết khá khắc nghiệt nên sản lượng cũng không đạt, riêng huyện Sơn Tịnh người dân chỉ trồng khoảng 19ha bí đỏ. Và cũng chính thời tiết quá khắc nghiệt nên dưa chín sớm và trời nắng quá nên công ty không dám để ngoài ruộng (vì sợ bị hỏng) mà cho người dân thu hoạch đem về nhà.

Việc thu mua chậm một phần do thời tiết làm cho đơn vị thu mua bị động. Sự việc xảy ra ngoài ý muốn.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2017, xã Bình Mỹ mạnh dạn khuyến khích 26 hộ trồng bí đỏ Nhật Bản khoảng 3ha.

Sau 3 tháng trồng thử nghiệm, các hộ dân thu hoạch được khoảng 70 tấn bí đỏ. Loại cây bí đỏ này vốn được lãnh đạo xã kỳ vọng là mô hình chuyển đổi khá thành công vì năng xuất cao, chi phí đầu tư thấp (khoảng 2 triệu đồng/500m2) và được Công ty đứng ra bao tiêu sản phẩm.

Tuy nhiên, với sự chậm trễ của đơn vị cam kết thu mua đã làm 50 tấn nông sản cùng với công sức của bà con nông dân phải bỏ phí.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn - Phan Thanh Tuấn thẳng thắn: “Đây là bài học kinh nghiệm đối với địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà không lường hết được thiệt hại.

Trong thời gian tới, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Bình Mỹ phải tính toán trước phương án đầu ra ổn định và chỉ có như vậy bà con nông dân mới phát triển kinh tế một cách bền vững”./.

Theo: bnews.vn

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét