Gánh khổ vì con
Nhà bà Ru nằm nép mình tại một gò đầy mồ mả ở thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành. Thật ra, đó là căn nhà mà gia đình bà ở nhờ của đứa em chồng để lại rồi lang bạt vào Nam kiếm sống. Còn chỗ an cư chính cách đó không xa. Tuy nhiên, nhà nào cũng xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày chúng tôi đến thăm, may mắn có bà ở nhà, không đi bán kẹo dưới thành phố. Nghe có người hỏi thăm, bà Ru phải nhờ hàng xóm dẫn ra chào. Dáng người tiều tụy, khuôn mặt khắc khổ hằn đầy vết thời gian nhăn nheo… là những cảm nhận đầu tiên về người phụ nữ khốn khổ này. Nhiều người sánh bà Ru là “vợ Tú Xương”, hi sinh hết phúc phần của mình cho chồng, cùng 7 người con.
Trong tiếng nói yếu ớt, bà than: “Trời chuyển, người đau nhức, chẳng thể nào đi bán được, đành phải nghỉ vài hôm. Nghỉ bán sẽ không có tiền lo ăn uống nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng”.
Ngồi cạnh đó, chồng bà ông Phạm Công Luận, 78 tuổi, thở dài sau lời vợ. Ông Luận từng là một người lính vào sinh ra tử thời binh lửa loạn lạc. Chiến tranh đã “găm” vào cơ thể ông nhiều vết thương không thể phai dấu tích. Ông còn mang trong mình căn bệnh lao phổi, biến ông thành người “vô tích sự” khi chẳng làm được gì.
Và rồi, ông đành gửi thác trách nhiệm người chồng lên bờ vai người vợ. 1 triệu đồng ít ỏi ông nhận được từ chế độ cho người có công của ông Luận chẳng đủ trang trải thuốc thang cho bản thân. Bà Ru vì thế gánh nặng tựa non cao.
Câu chuyện giữa chúng tôi và bà Ru đứt quãng bởi tiếng hát cất lên từ người con gái đang sống cùng vợ chồng bà- chị Phạm Thị Nhi, 32 tuổi. Năm chị bước vào cái tuổi trăng tròn đẹp nhất của người con gái, chị không may mắc bệnh tâm thần. Từng cơn đau dày vò, bệnh của chị ngày thêm trầm trọng.
Việc học hành bỏ dở kể từ đó, nhật ký đời chị chỉ được viết thêm bằng những lần chạy chữa khắp nơi. Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi trở thành địa chỉ quen thuộc của hai mẹ con.
Căn nhà của gia đình bà Ru.
Bất hạnh chồng chất lên nhau, con bà đã lấy đi đôi mắt của bà trong một lần lên cơn vì hết thuốc uống. Viên gạch từ chính bàn tay người con đứt ruột đẻ ra đã chọi trúng vào con ngươi, gây mù lòa. Nỗi đau tột cùng chỉ có trời xanh mới thấu.
Đôi cánh tay và những vết sẹo trên cơ thể cũng là “hậu quả” do đứa con gái gây ra, dù không cố ý. Bà Phạm Thị Dương, 73 tuổi, người bà con cũng là hàng xóm kể, nhiều lần mọi người cũng chạy sang can ngăn khi chị Nhi lên cơn.
“Số bà ấy quá khổ, nhiều lúc đang ăn cơm thì nó lên cơn, hất tung mâm cơm rồi rượt đuổi bà ấy chạy quanh. Ban ngày hoặc lúc chập choạng chúng tôi còn biết mà sang can ngăn, chứ đêm hôm khuya khoắt thì không biết trước chuyện gì xảy ra", bà Dương nói thêm.
“Con mình đứt ruột đẻ ra, nó bệnh tật đã xót xa lắm rồi, tôi nào dám trách điều gì. 10 vết thương của tôi cũng không bằng nỗi đau mà con mình đang mang trong người”, nói đến đây người mẹ già nghẹn ngào khóc.
Đầu bạc bán kẹo nuôi đầu xanh
Vợ chồng bà Ru cũng có ruộng, nhưng vì con đông lại không có việc làm ổn định, cuộc sống lam lũ nên bà để lại hết cho các con. Thương con, thương chồng, hằng ngày bà cặm cụi từ Hành Phước xuống TP. Quảng Ngãi bán kẹo. Đôi mắt yếu, việc đi lại khó khăn nên bà cũng chỉ bán bữa được bữa mất.
Ban đầu đi bán, bà lân la khắp nơi, từ quán xá đến trường học. Bây giờ, bà chọn góc ngã tư đường Nguyễn Nghiêm và Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi) làm chỗ cố định, bán từ 10h trưa cho đến khoảng 3h chiều thì tranh thủ về.
10 nghìn đồng 3 bịch kẹo, mỗi ngày bà cũng kiếm được 60 nghìn đồng, cũng chỉ đủ để bà lo tiền thuốc thang cho chồng con. Giữa cái oi bức của đầu mùa hạ, hình ảnh bà Ru ngồi bên vỉa hè quờ quạng chìa chiếc nón lá rách nhàu đựng trong đó mớ kẹo mời khách khiến ai nấy đều xót xa. Hôm nào người qua đường thương cảm thì bà có thêm vài chục nghìn đồng về mua con cá, miếng thịt ngon hơn.
“Nhà ở xa mà điện thoại thì không có, sợ nhất là những bữa trong người khó ở. Mệt quá thì tôi vào vỉa hè nghỉ ngơi, chừng nào khoẻ thì mời tiếp", bà ngậm ngùi.
Bà Ru bán kẹo ở đường Nguyễn Nghiêm và Phan Đình Phùng.
Mấy hôm nay trời chuyển, bà Ru lo lắng vô cùng. Bà sợ đứa con lại lên cơn rồi lại trở tay không kịp. “Cứ trở trời là lên cơn ngay, có bận vài ngày lên cơn một lần. Mỗi lần như vậy tui khổ lắm! Giữa đêm hôm phải làm phiền hàng xóm đưa đi bệnh viện giùm”, chỉ tay sang chị Nhi đang còn ngồi ăn bát cơm trắng, bà Ru bày tỏ.
Chia tay gia đình bà về lại thành phố, chúng tôi mang nặng một nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Thấp thoáng xa xa trên sân nhà, bóng dáng người mẹ già ngồi bên cạnh người con gái bất hạnh cùng người chồng ốm yếu vẫn ám ảnh trong tâm trí mỗi người.
Biết đến bao giờ người mẹ già ấy có điều kiện để tiếp tục đưa con mình đi chữa bệnh. Rồi tương lai phía trước của những con người bất hạnh này sẽ về đâu?
Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Ru, thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước, tỉnh Quảng Ngãi hoặc Báo Quảng Ngãi, số 02 Cao Bá Quát, TP. Quảng Ngãi, hoặc qua số tài khoản Báo Quảng Ngãi: 5701 0000 479377 tại Ngân hàng Đầu tư - Phát triển, chi nhánh Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: Thiên Hậu baoquangngai.vn
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét