Vào những ngày biển động, gió bão, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Đường thủy luôn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão ở những khu neo trú an toàn. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn rất chủ quan. Ngư dân Phạm Văn Bính, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, cho biết: “Mùa này là mùa bão gió, nhưng không phải ngày nào cũng gió, tôi vẫn phải tranh thủ ra khơi. Hơn nữa, chúng tôi có các phương tiện, máy móc hiện đại như bộ đàm, Icom có thể biết về việc sắp có bão, áp thấp nhiệt đới, mọi người luôn trong tình trạng cảnh giác cao. Nếu có thông tin khẩn cấp, chúng tôi sẽ cho tàu vào các đảo gần đó để tránh trú, hoặc kịp sẽ chạy về đất liền”.
Những đợt sóng dữ đánh ầm ầm, bọt tung trắng xóa, thế nhưng ngư dân vẫn “đánh cược” tính mạng, đưa thuyền vượt sóng ra khơi, bởi các ngư dân hy vọng sẽ thu về những mẻ cá đầy chỉ sau một đêm vươn khơi bám biển. Mặt khác, khi thời tiết xấu, giá hải sản cao hơn ngày thường, điều này lại càng kích thích ngư dân ra khơi trong lúc biển động. Anh Bùi Châu Thanh (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) tâm sự: “Việc ra khơi trong những ngày sóng gió rất nguy hiểm nhưng vì kế sinh nhai, dù ghe nhỏ tôi vẫn phải ra khơi đánh bắt. Mùa biển động kéo dài vài tháng, nếu không liều ra khơi, cuộc sống gia đình sẽ rất khó khăn. Đi nhiều cũng thành quen, mình biết cách tránh các hướng gió, sóng to nguy hiểm. Mỗi lần biển động sóng lớn, cá sẽ tập trung nổi lên theo đàn, ngư dân sẽ đánh bắt được rất nhiều hải sản chỉ trong một đêm”.
Tuy nhiên, đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhẹ thì lật tàu, mất ngư lưới cụ, nặng thì ngư dân phải đánh đổi cả tính mạng. Trong cơn bão số 10 vào tháng 9/2017, trong lúc đang khai thác thủy sản trên biển Đông, 4 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đã bị hỏng máy, sóng nhấn chìm. Đại úy Võ Tấn Định, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Những tàu cá công suất lớn ra khơi phải đến các Trạm kiểm soát Biên phòng để trình sổ xuất bến. Những tàu cá công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ không phải trình công đoạn này nên rất khó quản lý việc ra khơi của họ. Những ngư dân ra khơi vào ngày sóng gió chủ yếu là người nghèo, có những lúc chỉ có hai vợ chồng trên chiếc ghe nhỏ. Vì miếng cơm manh áo, họ vẫn liều mình ra khơi khi biết thông tin biển động, sóng lớn”.
Được biết, từ đầu năm đến nay, gần 10 tàu cá của Quảng Ngãi bị chìm do đánh bắt hải sản trong thời tiết xấu, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản. Theo dự báo, thời gian tới sẽ còn nhiều đợt bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, vì vậy ngư dân không nên chủ quan trước những cảnh báo của cơ quan chức năng.
Đinh Thị Hương (TTXVN)
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét