Nông dân điêu đứng vì lúa nhiễm rầy nâu

(Tin tức Quảng Ngãi) - Nếu như vụ đông xuân năm ngoái, toàn huyện Tư Nghĩa chỉ có khoảng 30 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, thì vụ đông xuân năm nay, con số trên đã lên đến hơn 260 ha. Lúa nhiễm rầy nâu ngay trước thời điểm gần thu hoạch, khiến cho nhiều bà con nông dân đứng trước nguy cơ mất mùa.

Diện tích nhiễm rầy tăng 9 lần


Đầu tháng 4, ngay sau khi bà con nông dân phát hiện ra tình trạng lúa nhiễm rầy nâu, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tư Nghĩa liền kiểm tra, thống kê và hướng dẫn nông dân cách phòng trừ. Tổng diện tích nhiễm rầy nâu trên địa bàn huyện ban đầu khoảng 90ha. Nhưng chỉ sau 2 tuần, diện tích lúa nhiễm rầy nâu đã nhanh chóng lây lan và hiện đã lên đến khoảng 260ha, tập trung ở các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Trung và Nghĩa Kỳ. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 194ha (mật độ rầy từ 750- 1.500 con/m2) và 62ha nhiễm nặng (với mật đồ rầy từ 1.500-3.000 con/m2).

Nông dân điêu đứng vì lúa nhiễm rầy nâu
Thân lúa cháy khô vì bị nhiễm rầy nâu nên nông dân phải thu hoạch trước so với lịch thời vụ.

Lý giải nguyên nhân diện tích lúa nhiễm rầy nâu tăng đột biến, gấp gần 9 lần so với vụ đông xuân năm trước, ông Nguyễn Văn Sơn -Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tư Nghĩa cho biết:
“Năm nay rầy nâu - rầy lưng trắng bùng phát khá mạnh, tốc độ lây lan nhanh là do thời tiết diễn biến thất thường. Nắng nóng kéo dài rồi lại xuất hiện những đợt không khí lạnh, ẩm độ tăng cao, là điều kiện để rầy nâu bùng phát”.

Ngoài ra, mặc dù đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo, nhưng nhiều nông dân vẫn còn sử dụng các giống lúa dễ nhiễm rầy như Ma Lâm 48, TH6, Khang Dân 18, Đồng Văn 108… để gieo sạ cũng là một trong những nguyên nhân khiến rầy nâu có nhiều cơ hội bùng phát mạnh trên lúa.

Nông dân “lãnh” đủ

Lúa nhiễm rầy nâu ngay thời điểm chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là kết thúc vụ đông xuân, khiến sản lượng lúa giảm sút nhanh chóng. Lúa bị nhiễm rầy nâu nhẹ, thì sản lượng lúa giảm sút từ 20-30%, nhưng nếu như nhiễm trung bình, thì sản lượng sẽ giảm 50-70%. Riêng các trường hợp nhiễm nặng, 80% sản lượng lúa có nguy cơ sẽ mất trắng.

Ông Tân Ngọc Châu, một nông dân ở tổ dân phố 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) rầu rĩ: “Đáng lẽ phải hơn 1 tuần nữa mới đến ngày thu hoạch. Nhưng vì lúa nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng quá nặng, nên giờ tôi thà gặt lúa xanh. Chứ nếu chần chừ thêm nữa, thì lúa sẽ cháy khô, hạt teo tóp lại, chẳng còn gì để thu hoạch nữa”. Khoảng 1,5 sào ruộng của ông Châu dù chưa đến ngày thu hoạch, nhưng toàn bộ các thân lúa đều gặp hiện tượng “cháy rầy” nên khô đét lại. Ở những đám ruộng lân cận, hiện tượng cháy chàm, cháy vạt cục bộ cũng xuất hiện.

Khuyến cáo cho vụ hè thu sắp tới, ông Nguyễn Văn Sơn hướng dẫn: “Để rầy nâu không có cơ hội bùng phát, bà con nông dân cần chú ý kiểm tra ruộng thường xuyên để kịp thời phun thuốc ngăn chặn. Đồng thời, bà con cũng nên cân nhắc những giống lúa kháng rầy như Vật tư Nghệ An, Thiên Ưu 8... để có thể hạn chế đến mức thấp nhất việc nhiễm rầy trên lúa”.


Bài, ảnh: Ý THU

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét