Quảng Ngãi: Triệt phá 7 nhóm cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn

Các đối tượng cho trên 300 người dân ở khu vực nông thôn vay nhiều tỷ đồng với mức lãi suất 'cắt cổ'. Những đối tượng này sẵn sàng đe dọa, đánh đập người vay nếu không trả nợ đúng hạn.

Ngày 28/12, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Công an huyện Nghĩa Hành cho biết, Công an huyện đã kịp thời bắt giữ đối tượng Mai Huy Long (23 tuổi, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khi đối tượng này có hành vi đánh một người vay nợ. Trên cơ sở đó, Công an huyện đã mở rộng điều tra và triệt phá thêm 6 nhóm cho vay nặng lãi khác.

Trước đó, đối tượng Mai Huy Long đã đến nhà bà L.T.L (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) để đòi nợ. Tuy nhiên bà L. chưa có tiền trả nên bị đối tượng Long đánh gây thương tích.

Tại cơ quan Công an, Mai Huy Long khai nhận đã cho 74 người dân vay trên 500 triệu đồng với mức lãi suất "cắt cổ". Trên cơ sở này, Công an huyện Nghĩa Hành đã mở rộng điều tra và nhanh chóng phát hiện 6 nhóm cho vay lãi nặng khác đang hoạt động tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam với trên 300 người dân vay tiền. Nhiều nhóm cho vay với mức lãi suất lên đến 200%-300%.

Quảng Ngãi Triệt phá 7 nhóm cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn

Các đối tượng cho vay nặng lãi vừa bị Công an huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) triệt phá.

Đơn cử như, nhóm đối tượng Lê Văn Luyến, ở tỉnh Thanh Hóa cho 131 người vay với số tiền gần 1 tỷ đồng. Nhóm đối tượng Nguyễn Quang Huy ở TP Hà Nội cho 66 người vay, nhóm Đỗ Văn Hoàn ở tỉnh Hải Phòng và Phạm Anh Tú, ở tỉnh Thanh Hóa cho 28 người vay. Qua khám xét, Công an huyện thu giữ hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tờ rơi quảng cáo vay, bình sơn xịt nhà con nợ... Cơ quan Công an cũng đang tạm giữ số tiền 154 triệu đồng và nhiều giấy tờ liên quan.

Hầu hết các nhóm cho vay nặng lãi đều ở các tỉnh phía Bắc vào Quảng Ngãi và Quảng Nam. Hàng ngày các đối tượng này tỏa về các huyện nông thôn phát, dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền. Các nhóm này liên kết với nhau trong việc cho vay và sẵn sàng hăm dọa đánh người dân khi không kịp trả nợ đúng hẹn.

Theo Thượng tá Tuấn, các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động theo nhóm và phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên. Những đối tượng này cho vay không cần thế chấp, chỉ cần biết nơi ở và người vay có chứng minh nhân dân.

"Lợi dụng nhu cầu của người dân cần tiền sinh hoạt chi tiêu trong dịp Tết nên các đối tượng dán và phát tờ rơi các khu chợ, dân cư. Khi người dân vay nợ chưa trả được thì đối tượng cho vay lại giới thiệu cho nhóm khác tiếp tục đến cho con nợ vay thêm. Vì thế, người dân tiếp tục nằm trong vòng vây của nhiều nhóm cho vay dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất" Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo Dân Trí

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét